Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
EmailPrintAa
15:40 14/05/2023

Triển khai giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, bên cạnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được, chỉ ra những vướng mắc, bất cập, Đoàn giám sát đã kiến nghị với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp các giải pháp đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nhằm tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Cổng Thông tin điện tử đại biểu Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục trích đăng nội dung này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà đề xuất nhiều nội dung Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển năng lượng, quyết định chủ trương đầu tư các dự án phát triển năng lượng, nhất là trong ngành điện, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

- Tiếp tục quán triệt, cụ thể hoá các định hướng, quy hoạch, chính sách phát triển năng lượng đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Triển khai phát triển năng lượng theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, đảm bảo hiệu quả, bền vững, ít ảnh hưởng đến môi trường, dân sinh, xã hội; tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách cụ thể trong việc đầu tư thực hiện dự án sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh.

Đoàn khảo sát tại Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa

- Hàng năm rà soát, sửa đổi những bất cập trong quy chế phối hợp quản lý các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn; quy chế phối hợp quản lý khoáng sản,… đảm bảo phân công phân cấp rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án năng lượng.

- Kịp thời nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Phát triển năng lượng tái tạo hoặc Luật Điện lực (sửa đổi) theo hướng bổ sung nội dung quy định về năng lượng tái tạo, cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo.

Tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

- Nghiên cứu rà soát, sửa đổi các luật điều chỉnh trực tiếp và luật liên quan để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, phù hợp với thực tiễn phát triển; nghiên cứu luật hóa một số chính sách ưu đãi cho dự án khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; sớm hoàn thiện quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng…

Chuyên gia của Nhà máy thủy điện Ngàn Trươi đề xuất áp dụng công nghệ tiên tiến làm các thuỷ điện nhỏ tại các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh

- Nghiên cứu cho phép và khuyến khích sự tham gia của nhiều bên, nhất là kêu gọi các nhà tài trợ, các nhà đầu tư quốc tế trong phát triển năng lượng sạch. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế công bằng và định hướng rõ ràng để các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển năng lượng sạch; ban hành các quy định, cơ chế khuyến khích như áp dụng biểu giá FIT hay cơ chế thanh toán bù trừ (NEM) để tạo thuận lợi cho việc thu hút có hiệu quả nguồn vốn vào lĩnh vực này.

- Tăng cường thực hiện giám sát về các nội dung: Cung cầu và an ninh năng lượng với khả năng cung cấp, nhập khẩu năng lượng; thị trường năng lượng, các vấn đề kinh tế, tài chính năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

- Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường biên chế cho cán bộ, công chức làm công tác tham mưu phát triển năng lượng.

Kiến nghị đối với Chính phủ

- Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

- Kịp thời phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đối với Hà Tĩnh đề nghị quan tâm bổ sung nâng công suất quy hoạch phát triển điện gió để khai thác tối đa tiềm năng của địa phương, bổ sung quy hoạch nhà máy điện rác để kết hợp xử lý chất thải rắn.

Thành viên Đoàn giám sát chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng làm việc với UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành, đơn vị

- Bổ sung quy định việc phân cấp trong công tác quản lý, thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh quy hoạch để đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia và đáp ứng thực tiễn. Các quy hoạch cần có sự liên kết lẫn nhau, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành Trung ương trong xây dựng để đảm bảo hạn chế những vướng mắc về mặt quy hoạch khi triển khai dự án đầu tư (ví dụ các quy hoạch dự trữ xăng dầu và khí đốt thì phải phù hợp với quy hoạch cảng biển, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, ...).

- Rà soát, sửa đổi Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực để phù hợp thực tiễn, bảo đảm hài hoà giữa quyền lợi của chủ đầu tư dự án và doanh nghiệp ngành điện (quy định về trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm biến áp, trạm cắt, trạm bù công suất phản kháng).

- Rà soát, sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo hướng đảm bảo việc điều hành giá xăng dầu theo hướng tiếp cận với giá xăng dầu thế giới, tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở, đảm bảo hệ thống kinh doanh xăng dầu duy trì được hoạt động và đảm bảo có lãi; có chiết khấu dương, đủ bù đắp chi phí cho các cửa hàng bán lẻ, hạn chế việc càng kinh doanh càng lỗ như thời gian qua.

- Sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế, trình tự, thủ tục về việc điều chuyển công trình điện vốn nhà nước, vốn khác sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo thuận lợi, khả thi trong thực hiện.

- Ban hành nghị định quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận việc đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để làm cơ sở để thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi.

Đoàn giám sát làm việc với Công ty Truyền tải điện Hà Tĩnh thuộc Công ty Truyền tải điện 1.

- Xây dựng, ban hành hướng dẫn hoạt động quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, các công trình xây dựng. Xây dựng các chương trình ưu đãi về nguồn vốn cho các doanh nghiệp ngành năng lượng điện để giúp các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống, hạ tầng hiện đại, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

- Có chính sách thu hút, sử dụng và khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; thu hút đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển ngành cơ khí năng lượng.

- Xây dựng, ban hành cơ cấu giá điện mới bao gồm chi phí đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch thân thiện với môi trường. Xây dựng, ban hành biểu giá điện sinh hoạt theo hướng rút gọn từ 6 bậc thành 4 bậc hoặc 5 bậc.

- Xây dựng hệ thống kho, bãi để dự trữ xăng, dầu quốc gia theo Luật Dự trữ quốc gia. Ban hành quy định về sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp tình hình cung - cầu xăng dầu.

- Có cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp chủ động nhập khẩu nguồn than từ nước ngoài để dự trữ và chủ động nguồn cung nguyên liệu than sản xuất điện.

- Quy định phân cấp trong việc xử lý rác thải năng lượng, rà soát đánh giá thực trạng để có điều chỉnh, hướng dẫn việc thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng. Xây dựng, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải và chất thải trong ngành năng lượng theo hướng phù hợp với những tiêu chuẩn của các nước phát triển.

- Ban hành quy định cụ thể về công tác quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ ngân sách nhà nước đối với các dự án, công trình năng lượng có tính đặc thù theo tuyến.

- Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách ổn định nhằm khuyến khích khai thác năng lượng mặt trời mái nhà nhằm phát huy tiềm năng về điện mặt trời; quy định cụ thể về trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời qua xử dụng và chế tài xử lý vi phạm.

- Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện, đề nghị điều chỉnh quy định cho phép hoàn thuế theo phân kì kê khai, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án khi đáp ứng đủ điều kiện góp đủ vốn điều lệ và có chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Bổ sung quy định nhóm dự án khai thác khoáng sản, dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước là thủy điện từ 02 MW đến 20 MW thuộc nhóm nào theo quy định tại Nghị định 08/2022 ngày 10/ 01/2022 của Chính phủ. Hiện nay theo quy định đối với dự án thủy điện trên 20MW thuộc dự án nhóm I, Phụ lục III Nghị định 08/2022, dưới 2000kW(2MW) thuộc dự án Nhóm II, Phụ lục IV Nghị định 08/2022 và dự án thủy điện từ 2MW đến dưới 20MW thì chưa có quy định thuộc nhóm nào.

- Tiếp tục phân cấp cho địa phương chủ trì thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường (DTM) và thủ tục cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt đối với các dự án năng lượng, nhất là dự án năng lượng tái tạo quy mô công suất dưới 20MW để thuận lợi trong quá trình đầu tư và theo dõi, giám sát vận hành.

- Giấy phép môi trường tích hợp thay thế cho nhiều loại giấy phép nhỏ đã giảm bớt các thủ tục hành chính, đề nghị quy định chi tiết tiêu chí dự án phát sinh nước thải, bụi, khí thải với công suất, lưu lượng bao nhiêu thì cần có giấy phép, do dự án phát sinh chất thải với lưu lượng nhỏ đã có công trình xử lý cũng phải thực hiện thủ tục cấp phép môi trường làm phát sinh thủ tục pháp lý, mặc dù trước đó các dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đoàn giám sát làm việc với Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn

Kiến nghị đối với Bộ Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư, quy định về: (1) Quy định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tại (gió, mặt trời, sinh khối, chất thải rắn...); (2) Quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện; (3) Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực theo hướng quy định trình tự, thủ tục cấp phép trong trường hợp cấp đồng thời lĩnh vực bán lẻ điện với lĩnh vực phân phối điện và hướng dẫn cụ thể việc thu lệ phí cấp phép; (4) Phân cấp công trình và quản lý hoạt động đầu tư công trình năng lượng.

- Thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo phân công tại mục 7 Phụ lục kèm theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, sớm ban hành định mức tiêu hao năng lượng trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng để doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện tiết kiệm năng lượng theo Quyết định số 280/QĐ-TTg.

- Ban hành hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt phương án đầu tư phát triển lưới điện làm cơ sở để thống nhất quản lý chuyên ngành do Quy hoạch chuyên ngành điện được tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh.

- Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn quốc tế, có xét đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến việc tái chế, sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất năng lượng.

- Có hướng dẫn cụ thể về các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như phương pháp đánh giá hiệu quả của từng giải pháp để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

- Tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than và cung cấp than cho sản xuất điện; phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp cụ thể bảo đảm nguồn than phục vụ các nhà máy nhiệt điện than.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc