Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại y tế cơ sở
EmailPrintAa
16:15 15/02/2023

Cổng Thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục trích đăng kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2020 -31/12/2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 01/01/2018 - 31/12/2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Bài 5: Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại y tế cơ sở
Đoàn khảo sát làm việc tại Trạm Y tế xã Xuân Lộc

Về lĩnh vực khám, chữa bệnh

Thực hiện Chiến lược Quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 và các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, ngành Y tế Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB của tuyến huyện như: Thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến quy trình KCB triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị của tuyến trên. Các bệnh viện đã có nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả để nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc người bệnh toàn diện; triển khai Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện”; thực hiện Chương trình 527/CTr-BYT về nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh tham gia BHYT; đặc biệt lưu ý đến việc chống lạm dụng dịch vụ y tế và lạm dụng thuốc.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Can Lộc Nguyễn Trường Sinh báo cáo kết quả thực hiện các chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Các quy chế, quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật được tuân thủ nghiêm túc nhất là quy chế thường trực, cấp cứu. Các BVĐK tuyến huyện đã được đầu tư khá đồng bố thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị như máy siêu âm 4D, 5D, X-quang kỹ thuật số, thiết bị phẫu thuật Phaco, máy nội soi ngược dòng tán sỏi thận bằng Lase; 12 BVĐK tuyến huyện có hệ thống phẫu thuật nội soi tiêu hóa; nội soi chẩn đoán tiêu hóa, tai mũi họng, sản phụ khoa, máy xét nghiệm, huyết học tự động, hệ thống máy tiệt khuẩn...

Hiện nay, hệ thống KCB tuyến huyện gồm: 06 BVĐK, 07 TTYT tuyến huyện đa chức năng và BVĐK khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (gọi chung là BVĐK tuyến huyện) với tổng số giường bệnh kế hoạch là 2.894 giường.

Tất cả các BVĐK tuyến huyện đã nỗ lực cải tiến chất lượng theo hướng vừa phổ cập dịch vụ cơ bản vừa phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Đến nay 100% BVĐK tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nhiều BVĐK đã triển khai thành công các kỹ thuật tuyến trên như chụp CT-Scaner, nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật kết hợp xương, phẫu thuật phaco trong mổ mắt. Lĩnh vực y học cổ truyền, phục hồi chức năng được trang bị nhiều thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả khám, chẩn đoán và điều trị.

Thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 và Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, trong giai đoạn 2018 - 2022, Bộ Y tế đã tạo điều kiện các BVĐK/TTYT tuyến huyện chuyển giao kỹ thuật.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Phạm Chí Hiếu: Cần tháo gỡ những vướng mắc về chính sách của Trung ương đối với nguồn kinh phí phòng chống dịch COVID-19

Hoạt động hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến của tuyến trên đối với tuyến dưới luôn được quan tâm chú trọng. Việc thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh và chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên đối với tuyến huyện đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng KCB của tuyến huyện.

Công tác cấp cứu nội viện, ngoại viện và đáp ứng y tế trong thảm họa, thiên tai có những bước tiến mới. 100% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai quy trình “báo động đỏ nội viện” và “báo động đỏ liên viện” nhằm phối hợp khẩn cấp cùng lúc nhiều chuyên khoa trong bệnh viện và giữa các bệnh viện tuyến huyện với BVĐK tỉnh nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức của bệnh viện. Kết quả thực hiện quy trình báo động đỏ đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch. Công tác cấp cứu nội viện, ngoại viện và đáp ứng y tế trong thảm họa, thiên tai đã thể hiện năng lực chuyên môn của các đơn vị tuyến huyện.

Đầu năm 2020, để đáp ứng với đại dịch do Covid-19, các BVĐK/TTYT tuyến huyện chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực, vật tư y tế để tiếp nhận, cách ly, điều trị; 13 BVĐK/TTYT tuyến huyện đều đủ điều kiện, năng lực điều trị Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh. 100% đơn vị tuyến huyện đã triển khai sử dụng các phần mềm trong quản lý điều hành và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; triển khai hệ thống HSSKĐT, quản lý KCB HIS, hệ thống KCB từ xa kết nối trực tuyến với các bệnh viện tuyến Trung ương đã nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và chất lượng điều trị cho người bệnh. Nhờ kết nối liên thông dữ liệu HSSKĐT giữa các cơ sở y tế, các phần mềm quản lý KCB, tiêm chủng mở rộng,... nên chất lượng y tế cơ sở được nâng cao, người dân được quản lý sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình, giảm tải cho tuyến trên, tiết kiệm kinh phí cho người dân và quỹ KCB BHYT, góp phần quản lý quỹ KCB BHYT đạt hiệu quả cao, hạn chế việc lạm dụng thuốc, xét nghiệm…

Các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế công đã giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến huyện, giảm chi phí, giảm tải cho tuyến trên; trung bình công suất sử dụng giường bệnh của các BVĐK/TTYT tuyến huyện tăng từ 95% năm 2017 lên >120% năm 2022 (năm 2020 quy mô số gường bệnh kế hoạch của tuyến huyện là 2.058 tăng 598 giường so với năm 2017); số ngày điều trị trung bình của các bệnh viện từ 9,63 ngày năm 2017 giảm xuống còn 6,4 ngày vào năm 2022. Chỉ số hài lòng người dân về cung cấp dịch vụ y tế đạt trên 95%; chỉ số PAPI ngành y tế Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2020 luôn được xếp trong nhóm 10 tỉnh thành dẫn đầu toàn quốc.

Về lĩnh vực y tế dự phòng:

Các dự án, chương trình mục tiêu y tế được triển khai có hiệu quả. Duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt, bệnh phong quy mô cấp tỉnh; đạt tiêu chí loại trừ uốn ván sơ sinh, một số dịch bệnh nguy hiểm như bạch hầu, ho gà được loại trừ, không để xảy ra dịch và tử vong do sốt rét; không có tử vong do sốt xuất huyết. Hầu hết xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế như: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống sốt xuất huyết. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai đảm bảo an toàn, không có tai biến nào xảy ra liên quan đến tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95%. Thực hiện tốt hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, thể thấp còi còn 14,0%, thể nhẹ cân còn 8,0%.

Công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh được chủ động triển khai tích cực, đồng bộ từ tỉnh đến huyện và xã nên dịch bệnh luôn được kiểm soát. Thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch ở người; khống chế được một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, sởi, Covid-19. Lực lượng cán bộ y tế, trang thiết bị, cơ số thuốc, các loại hoá chất luôn được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng cho công tác phòng, chống, dập dịch.

Hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm: Tiếp tục duy trì quản lý và điều trị ngoại trú tại cộng đồng; tổ chức giám sát, hỗ trợ hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm và hoạt động triển khai quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình cho 13 huyện, thành phố, thị xã. Đảm bảo an toàn thực phẩm, từ năm 2018 lại nay trên địa bàn tỉnh mỗi năm trong bình chỉ có 01 - 02 vụ với số người mắc ít; không có trường hợp tử vong. Tỷ lệ các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận /100.000 dân là 4,07 (kế hoạch là dưới 5).

Đồng chí Trần Đình Gia, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu

Về chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn với trạm y tế xã:

TTYT huyện trực tiếp quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của TYT trên địa bàn, hàng tháng tổ chức giao ban chuyên môn để phổ biến, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế, đồng thời triển khai các văn bản của cấp trên, định kỳ cử bác sĩ đi giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho TYT nhằm tăng cường thực hiện dịch vụ kỹ thuật tuyến xã.

Các TTYT tuyến huyện thường xuyên chỉ đạo TYT triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã, “tiêu chí 15 - Y tế” trong Bộ tiêu chí nông thôn mới, kết quả giai đoạn 2011-2020 có 100% TYT đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Các TTYT huyện đa chức năng đã thực hiện tốt việc chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ trực tiếp TYT xã về chuyên môn KCB, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế của TYT.

Đối với tuyến xã

100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% xã về đích nông thôn mới giai đoạn 2018-2021 đều đạt “Tiêu chí 15 - Y tế” trong Bộ tiêu chí nông thôn mới. 100% bác sĩ và chức danh chuyên môn y, dược tại TYT xã đủ điều kiện về văn bằng chuyên môn đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Năm 2022 cả 216 TYT đã ký hợp đồng triển khai KCB BHYT. Tỷ lệ người dân được khám, tạo lập HSSKĐT đạt 95%. 100% TYT được cài đặt và tập huấn sử dụng phần mềm HSSKĐT, phần mềm quản lý KCB BHYT; bước đầu phần mềm HSSKĐT đã được đồng bộ dữ liệu với phần mềm quản lý KCB tại các bệnh viện/TTYT.

Nhìn chung, mạng lưới y tế cơ sở tại tỉnh đã được duy trì và củng cố trong nhiều năm, việc thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tại tuyến y tế cơ sở có nhiều thuận lợi và hiệu quả.

Đồng chí Lê Ngọc Châu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu, giải trình các nội dung mà Đoàn giám sát nêu tại buổi là việc với UBND tỉnh

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân

- Tại tuyến huyện : Tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến còn thấp (trung bình 70%), chất lượng KCB chưa đồng đều giữa các đơn vị tuyến huyện và giữa các chuyên khoa, nhất là các chuyên khoa mắt, tai mũi họng... năng lực chuyên môn tại một số BVĐK/TTYT tuyến huyện và TYT còn hạn chế. Thiếu đội ngũ bác sĩ có chất lượng cao các chuyên khoa, đặc biệt là cán bộ có trình độ sau đại học, cán bộ có chuyên môn sâu có ảnh hưởng đến công tác KCB và phát triển các kỹ thuật mới. Hoạt động chỉ đạo tuyến, thực hiện Đề án 1816 tại các đơn vị vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Năng lực quản lý chất lượng bệnh viện của một số cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu...

- Tại tuyến xã : Thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến còn thấp (trung bình 50%). Sự chỉ đạo tuyến của TTYT tuyến huyện 02 chức năng về chuyên môn KCB cho TYT còn hạn chế; thuốc BHYT chưa đủ và chưa đa dạng thuốc để điều trị tại TYT, nhất là thuốc tăng huyết áp và đái tháo đường...

Nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở là rất lớn trong khi nguồn lực của địa phương còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, hạ tầng nhiều bệnh viện/TTYT chật chội, xuống cấp, trang thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán, điều trị chưa đầy đủ, thường xuyên hư hỏng, quy trình sửa chữa chậm, chưa đáp ứng yêu cầu KCB.

- Đối với công tác quản lý HSSKĐT : Kỹ năng tin học của cán bộ y tế còn yếu; hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin thiếu và chưa đồng bộ; việc liên thông dữ liệu KCB từ các bệnh viện tuyến Trung ương và các tỉnh chưa liên thông được về các cơ sở KCB trong tỉnh do các tỉnh và tuyến Trung ương chưa hoàn thiện phần mềm HSSKĐT và chưa thực hiện được việc liên thông của hồ sơ sức khỏe; kinh cấp đủ so với thực tế nên các TYT gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống phần mềm trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết; tốc độ đường truyền chậm, nhiều TYT sử dụng USB 3G nên tiến độ nhập dữ liệu chậm; phần mềm KSSK chưa tương thích với phần mềm KCB nên việc liên thông dữ liệu KCB từ tuyến Trung ương hoặc của tỉnh khác chưa thực hiện được; người dân chưa có mã định danh nên trong quá trình liên thông dữ liệu từ các phần mềm KCB (VNPT, Viettel, FPT…) vào hệ thống HSSKĐT chưa trùng khớp nên không liên thông được hoặc khi phát sinh nhân khẩu trên hệ thống.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc